Đánh giá khả năng kiểm soát, phân loại rủi ro an toàn hàng không

Thời gian gần đây, các sự cố hàng không xảy ra liên tục với tần suất lớn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro an toàn hàng không, cùng nhiều vấn đề an toàn liên quan trong lĩnh vực vận tải nhạy cảm hàng đầu này.

Kiểm soát, phân loại rủi ro an toàn hàng không

Sự cố an toàn hàng không với tần suất lớn

Theo báo cáo công tác đảm bảo an toàn hàng không của Cục Hàng không, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 41 sự cố, trong đó có 1 vụ tai nạn hàng không. Cùng kỳ năm 2022, con số là hơn 18% (50 vụ). Ngày 24/06/2023 đã xảy ra sự cố không lưu về vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất cánh tại sân bay Nội Bài. Theo đó, 2 máy bay suýt va nhau trên đường băng 11R (AIQ645 của Thai Air Asia và VJC943 của VietJet Air) bởi sai sót kiểm soát không lưu.

Trên thế giới, 6 tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến nhiều thảm họa hàng không. Nổi bật nhất là: Vụ va chạm trên đường băng sân bay Haneda, Nhật Bản (ngày 02/01/2024); Tai nạn trực thăng Varzaqan ngày 19/05 khiến Tổng thống Iran thiệt mạng; và Vụ rơi máy bay ATR 72-500 của Voepass Linhas Aéreas (Brazil, ngày 09/08/2024).

Rủi ro an toàn hàng không tại Haneda, Nhật Bản
Vụ va chạm trên đường băng sân bay Haneda, Nhật Bản ngày 02/01/2024 gây thiệt hại nặng nề

Mặc dù các văn bản yêu cầu tuân thủ quy định khai thác cảng hàng không liên tục được ban hành, xong các lỗi về khống chế tốc độ, thời gian thoát ly đường cất hạ cánh, thời gian cắt qua đường cất hạ cánh và quy định về kiểm soát không lưu vẫn không thể tránh khỏi.

Hơn ai hết, các cơ quan quản lý hàng không nhận định sự việc máy bay chạy quá tốc độ, không tuân thủ khống chế tốc độ, đều tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, nguy cơ dẫn đến va chạm, hư hỏng hoặc cháy nổ, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Do đó, các hãng hàng không và đơn vị quản lý khai thác sân bay cần tuân thủ nghiêm các quy định về điều hòa khai thác, lưu thông và an toàn bay.

Sự cần thiết & quan trọng của đánh giá quản lý rủi ro an toàn hàng không

Mối đe dọa của hàng không dân dụng là thường xuyên, chưa bao giờ giảm. Mối đe dọa đó được quản lý hiệu quả nhất bằng cách xác định, hiểu và giải quyết/giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn đối với hàng không dân dụng từ vận chuyển hành khách và hàng hóa, hành lý, bưu gửi bằng đường hàng không và các hoạt động khác tại khu vực công cộng thuộc phạm vi cảng hàng không, sân bay…

Các biện pháp phòng ngừa phải phù hợp với mức độ đe dọa và nguy cơ rủi ro. Xác định mức độ đe dọa, nguy cơ, rủi ro là tiền đề để bố trí, sử dụng nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp khả năng, điều kiện thực tế.

Quản lý tốt rủi ro an toàn hàng không là điều kiện quan trọng để duy trì khả năng ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việc không nhận biết các mối đe dọa dẫn đến lãng phí các nguồn lực thậm chí tạo ra khe hở, điểm yếu, gây phá hoại hoạt động hàng không.

Rủi ro nguy hiểm nhất đến từ con người

Trong hệ sinh thái an toàn hàng không, yếu tố con người là mắt xích quan trọng nhất, nhưng cũng là mắt xích yếu nhất.

Quay lại ví dụ về sự việc 2 máy bay suýt va nhau trên đường băng 11R, Nội Bài ngày 24/06/2023, sự cố chủ yếu do lỗi phi công không thực hiện đúng huấn lệnh kiểm soát không lưu.

  • Năm 2014, một máy bay cũng đi nhầm vào đường lăn tại Cảng hàng không Phú Quốc, do tổ bay không nắm chắc sơ đồ và phương thức vận hành trên đường lăn tại sân bay này, không thực hiện huấn lệnh kiểm soát không lưu dù đã báo nhận huấn lệnh.
  • Năm 2017, 1 máy bay Airbus A321 dân sự và 1 máy bay quân sự bị chồng lấn về phân cách tối thiểu tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Một lần nữa, lỗi được xác định do đơn vị điều hành bay dân dụng và quân sự, phối hợp không lưu chưa chặt chẽ.
  • Tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) từng xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng khi kiểm soát viên không lưu … ngủ quên, khiến cơ trưởng máy bay không thể thiết lập liên lạc, phải bay vòng 30 phút không dám hạ cánh.
Kiểm soát, phân loại rủi ro an toàn hàng không
2 máy bay của Thai Air Asia và VietJet Air suýt va chạm ngày 24/06/2023 bởi sai sót kiểm soát không lưu (Minh họa)

Với ngành hàng không, vấn đề an toàn và xây dựng Văn hóa An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu. Không phải chỉ khi có sự cố xảy ra thì nhà chức trách mới bàn đến vấn đề an toàn, rủi ro bay.

An toàn hàng không đến từ tổng hợp tất cả mắt xích gồm người điều khiển, vận hành, khai thác phương tiện mặt đất, thiết bị, kiểm soát viên không lưu, đường lăn, đường cất hạ cánh, bảo dưỡng kỹ thuật, … Mọi mắt xích đều không bao giờ được lơ là. Vì mất tập trung 1 giây cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Do đó, biện pháp cần kíp ưu tiên để giảm thiểu rủi ro an toàn hàng không là các bên liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ tại sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay. Nghiêm túc thực hiện quy định, quy trình khai thác bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động bay. Ngăn chặn kịp thời các vật ngoại lai xuất hiện tại khu bay, vệ sinh vị trí đỗ máy bay, đường lăn, sân đỗ, đường băng, …

Tại Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay VATM được yêu cầu thực hiện đúng các quy trình, quy định chuyên môn theo tiêu chuẩn khai thác, đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Cuối cùng, cần nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan nếu xảy ra sự cố an toàn, bình giảng sự cố với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm, kèm báo cáo tổng hợp.

Đánh giá giải pháp tăng cường an toàn

Sự đánh giá khả năng kiểm soát rủi ro có thể là yếu tố bị lãng quên trong hệ thống quản lý an toàn của các hãng hàng không hiện nay.

Trong vận hành hàng không, việc phát hiện và kiểm soát các rủi ro an toàn hàng không là hoạt động đặc biệt hệ trọng, liên quan đến tính mạng và tài sản của khách hàng, uy tín và thương hiệu của nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến ngân sách và doanh thu có thể khiến các hãng hàng không bị mắc kẹt trong cân đối tài chính. Giữa việc thực thi các biện pháp tăng cường an toàn với hoạt động kinh doanh và tăng thu nhập của hãng hàng không, nghiệm đúng cho mọi hãng hàng không truyền thống lẫn giá rẻ.

Một phương pháp đánh giá có hệ thống về hiệu quả của giải pháp tăng cường an toàn, sẽ giúp ích cho các hãng hàng không trong việc lựa chọn ra giải pháp khả thi nhất, phù hợp với tình hình hiện tại.

John Edmonds – Chuyên gia an toàn hàng không với hơn 20 năm kinh nghiệm quốc tế, đang làm việc tại Southwest Airlines (hãng hàng không giá rẻ lớn nhất tại Mỹ), trong bài viết “Mắt xích còn thiếu trong An toàn Hàng không” có đoạn:

“Bạn xác định được một rủi ro an toàn quan trọng trong hoạt động của hãng hàng không. Nhóm của bạn đã đưa ra danh sách các biện pháp kiểm soát tiềm năng, từ những thay đổi đơn giản đến các giải pháp công nghệ trị giá hàng triệu đô. Câu hỏi là: “Bạn sẽ thực sự triển khai những biện pháp nào?”.

John Edmonds phân loại rủi ro an toàn hàng không
Chuyên gia an toàn hàng không John Edmonds với phương án đánh giá tính thực tiễn và hiệu quả của các giải pháp an toàn

Đây là 1 câu hỏi có giá trị triệu đô. Bạn sẽ thấy mình bị kẹt giữa áp lực phải tăng cường an toàn và ngân sách chi tiêu eo hẹp.

Do đó cần 1 hệ thống để đánh giá và lựa chọn các biện pháp cân bằng nhất, đảm bảo công ty bạn sẽ đầu tư vào các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất.

“Đánh giá khả năng của giải pháp (control feasibility assessment)” sẽ là một cách tếp cận mang tính đột phá trong quản lý rủi ro an toàn. Cải thiện đáng kể quy trình ra quyết định và tối ưu hóa các khoản đầu tư cho an toàn của hãng hàng không.

Khi nhận định phân tích rủi ro và đưa ra biện pháp, các chuyên gia sử dụng các ma trận thuật toán tinh vi, điều tra kỹ lưỡng với nhiều năm kinh nghiệm. Nhưng khi quyết định triển khai, trực giác, tiền lệ lịch sử hoặc ban giám đốc mới là người chốt hạ phương án.

Đây là điều mà quy trình Quản lý Rủi ro An toàn (Safety Risk Management – SRM) còn thiếu sót. Nó giúp xác định mối nguy hiểm và đánh giá rủi ro, nhưng lại không có phương án tiếp cận để đánh giá tính thực tiễn và hiệu quả của chính các giải pháp mà ta đề xuất.

1. Đánh giá tính khả thi của các biện pháp

Giải pháp hiệu quả nhất không phải lúc nào cũng khả thi nhất. Quá trình đánh giá giải pháp tăng cường an toàn cần 3 yếu tố cân nhắc quan trọng:

  • Hiệu quả: Biện pháp kiểm soát này có hiệu quả như thế nào trong việc giảm thiểu rủi ro an toàn hàng không.
  • Phát triển: Việc thực hiện có khó khăn không?
  • Chi phí: Cần đầu tư tài chính bao nhiêu là đủ.

Với mỗi yếu tố trên, các nhà hoạch định chính sách sẽ chỉ định điểm số từ 1 đến 5 cho mỗi mức độ đánh giá. Sau đó, tổng điểm cho ra của mỗi giải pháp sẽ cho thấy tính khả thi của chúng, so sánh với các phương án khác và cân nhắc thực hiện theo biện pháp nào.

2. Thang điểm đánh giá giải pháp

Yếu tố hiệu quả:
5 – Loại bỏ nguy hiểm
4 – Thay thế bằng giải pháp ít nguy hiểm hơn
3 – Kiểm soát kỹ thuật
2 – Kiểm soát hành chính
1 – Thiết bị bảo vệ cá nhân
Yếu tố phát triển:
5 – Không cần thời gian phát triển
4 – Thời gian phát triển tối thiểu
3 – Thời gian phát triển hợp lý
2 – Thời gian phát triển đáng kể
1 – Vẫn đang trong giai đoạn ý tưởng
Yếu tố chi phí: (yếu tố này có thể được phân loại mức độ linh hoạt tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp)
5 – $0-$500
4 – $500-$1,000
3 – $1.000-$5.000
2 – $5.000 – $10.000
1 – Trên $10.000

Ví dụ: Hãy áp dụng vào rủi ro “Ngăn chặn xâm nhập đường băng”. Giả sử chúng ta đang xem xét hai biện pháp kiểm soát:

Biện pháp #1: Triển khai Hệ thống đèn báo trạng thái đường băng (Runway Status Light System – RWSL): Biện pháp #2: Đào tạo nâng cao cho đội ngũ mặt đất
  • Hiệu quả: 3 điểm (Kiểm soát kỹ thuật);
  • Phát triển: 2 điểm (Thời gian cài đặt khá lâu);
  • Chi phí: 1 điểm (Hơn 10.000 USD cho mỗi đường băng);
  • Hiệu quả: 2 điểm (Kiểm soát hành chính);
  • Phát triển: 3 điểm (Thời gian hợp lý để phát triển);
  • Chi phí: 3 điểm (1.000 – 5.000 USD cho việc phát triển khóa học);
Tổng điểm: 6 Tổng điểm: 8

Trong khi hệ thống RWSL rõ ràng là giải pháp mạnh mẽ hơn, nhưng đánh giá khả thi cho thấy chương trình đào tạo có thể thiết thực hơn, nếu nguồn lực tài chính có hạn.

3. Lợi ích vượt ra ngoài việc ra quyết định

Việc triển khai quy trình đánh giá khả thi không chỉ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn, còn mang lại một số lợi ích bổ sung:

  • Cơ sở hợp lý cho việc đầu tư an toàn: Cung cấp cơ sở dữ liệu cho các lựa chọn, giúp bạn dễ dàng nhận được sự đồng thuận của ban quản lý.
  • Phân bổ nguồn lực tối ưu: Đảm bảo bạn đang đầu tư vào các biện pháp kiểm soát mang lại sự cân bằng tốt nhất giữa hiệu quả và tính thực tế.
  • Cải thiện giao tiếp: Cung cấp ngôn ngữ chung để thảo luận và so sánh các tùy chọn kiểm soát khác nhau giữa các phòng ban.
  • Cải tiến liên tục: Giúp bạn dễ dàng xem xét và tinh chỉnh các biện pháp kiểm soát an toàn theo thời gian.

Để triển khai quy trình đánh giá khả thi này trong quy trình đánh giá rủi ro (SRM) của hãng hàng không, có thể bắt đầu với các bước sau:

  • Tích hợp bước đánh giá khả thi vào quy trình và tài liệu SRM hiện tại.
  • Đào tạo nhóm an toàn về quy trình mới, đảm bảo mọi người đều hiểu cách tính điểm và diễn giải kết quả.
  • Bắt đầu từ quy trình nhỏ, thử áp dụng quy trình này vào lần đánh giá rủi ro tiếp theo và tinh chỉnh khi cần thiết.
  • Theo dõi kết quả quyết định của bạn theo thời gian để xác thực và cải thiện hệ thống tính điểm.

Phương pháp đánh giá theo thang điểm này cũng có thể được điều chỉnh và áp dụng trong các lĩnh vực hoạt động khác, của tổ chức, doanh nghiệp khác (không nhất thiết là lĩnh vực hàng không), khi ban lãnh đạo đang phải đau đầu khi cần cân nhắc giữa nhiều giải pháp cải thiện hoạt động của công ty.

Con người trong kiểm soát rủi ro an toàn hàng không
Yếu tố con người vừa là mắt xích quan trọng nhất, vừa là mối nối yếu nhất trong kiểm soát rủi ro an toàn

Tổng kết mục tiêu kiểm soát rủi ro an toàn

Mở rộng ra, bất kỳ ngành nghề nào cũng tiềm ẩn rủi ro an toàn. Trong bài viết này, chúng ta chỉ lấy ví dụ trong bối cảnh thị trường hàng không đang phát triển mạnh mẽ, các hãng bay khai thác với cường độ cao, trong khi hạ tầng sân bay, trang thiết bị, con người… khó theo kịp nhu cầu đó.

Song song với việc liên tục nâng cấp thì thị trường càng phát triển, quy mô càng lớn thì rủi ro càng cao. Giống như việc đường phố càng nhiều xe cộ thì nguy cơ tai nạn giao thông sẽ tỷ lệ thuận tăng theo. Do đó, vấn đề an toàn hàng không nói riêng và rủi ro an toàn trong kinh doanh, sản xuất nói chung luôn phải trong trạng thái cảnh giác cao.

Như đã phân tích ở trên, yếu tố con người vừa là mắt xích quan trọng nhất, vừa là mối nối yếu nhất. Đơn cử như sự việc 2 máy bay suýt va chạm trên đường băng Nội Bài: cả 2 đều là máy bay tốt, đường băng tốt, thời tiết tốt, sai sót nằm ở quá trình tác nghiệp của những con người liên quan.

Khoa học kỹ thuật phát triển với công nghệ càng hiện đại sẽ phần nào giảm thiểu lỗi của con người. Tuy nhiên, máy móc không thể đảm bảo 100% không hỏng hóc.

Ngược lại, chính công nghệ hiện đại lại vô tình tạo ra sự chủ quan, ỷ lại vào máy móc dẫn đến rủi ro an toàn. Do đó, việc đào tạo, huấn luyện cần liên tục được cải thiện, ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, thích ứng với môi trường và kỹ thuật. Từ đó, đảm bảo hiệu quả tối ưu cho hệ thống an toàn hàng không.

Khi chúng ta hướng đến tương lai, với tự động hóa gia tăng, nhu cầu di chuyển trên không trong đô thị và các mối đe dọa an ninh mạng, thì khả năng nhanh chóng đánh giá và ưu tiên các khoản đầu tư vào an toàn sẽ trở nên cực kỳ quan trọng.

Bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống để đánh giá tính khả thi của biện pháp kiểm soát rủi ro an toàn, sẽ không chỉ cải thiện khả năng quản lý an toàn hiện tại mà còn bảo vệ hoạt động của hãng hàng không trước những thách thức phía trước.

Quý khách hàng, đối tác có nhu cầu tư vấn kinh doanh, hợp tác đầu tư. Xin vui lòng liên hệ với:

CÔNG TY CP THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & CÔNG NGHỆ HƯNG VIỆT • HUNGVIET CONSULTING

  • Tên giao dịch quốc tế: HUNGVIET TECHNOLOGY & INVESTMENT TRADING JOINT STOCK COMPANY.
  • Mã số thuế: 0101620786, cấp ngày 21/03/2005.
  • ĐKKD: Nhà A14, khu công đoàn Võng Thị, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
  • VPGD: Tầng 7 Tòa Nhà Mitec, lô E2 khu đô thị mới Cầu Giấy, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Kết nối với HUNGVIET ngay!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

024 3943 4611