Nghề phi công, hành trình chinh phục bầu trời đầy cơ hội, thách thức

Nghề phi công luôn được nhắc đến là một trong những công việc có yêu cầu khắt khe nhất về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm thực tế. Không chỉ vậy, học viên còn cần trải qua quá trình đào tạo lâu dài về thời gian cũng như tiêu tốn tiền bạc không nhỏ.

Nghề phi công, hành trình chinh phục bầu trời đầy cơ hội, thách thức

Tuy nhiên, hành trình khó khăn nào cũng cho ta vinh quang khi chinh phục, nghề phi công có thu nhập tốt, cơ hội thăng tiến cao, xứng đáng đánh đổi và nỗ lực.

Phi công không chỉ đơn thuẩn là công việc điều khiển máy bay, mà còn mang trong mình trọng trách, sứ mệnh đảm bảo an toàn cho hàng trăm hành khách lẫn hàng hóa trên không. Mỗi chuyến bay là một hành trình đầy thách thức, đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối, cùng khả năng đọc, xử lý tình huống nhanh nhạy, đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, an toàn về tính mạng của cải, cũng như uy tín niềm tin thương hiệu cho hãng hàng không.

Nghề phi công luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, đi kèm cơ hội đãi ngộ hấp dẫn, do đó những tiêu chuẩn khắt khe về sức khỏe, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn luôn được đánh giá cao.

Thực trạng nghề phi công ở Việt Nam

Theo thống kê của Cục Hàng không, năm 2023 số lượng máy bay dân dụng đã tăng từ 222 lên hơn 360 chiếc. Theo ước tính của Boeing (hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới của Mỹ), để khai thác hết công suất, cứ mỗi máy bay sẽ cần đến 20 phi công.

Điều đó có nghĩa là ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 2700 phi công thì mới có thể vận hành hết số lượng máy bay mới này. Và trên thực tế, nghề phi công đang nằm trong top những ngành thiếu nhân lực trầm trọng.

Nghề phi công, hành trình chinh phục bầu trời đầy cơ hội, thách thức
Số lượng máy bay dân dụng tại Việt Nam đang tăng lên nhiều qua các năm

Công việc chính, vai trò của phi công

Phi công là người điều khiển các loại máy bay, từ phi cơ tư nhân cỡ nhỏ đến các loại máy bay thương mại chở khách lớn, hoặc máy bay vận tải hàng hóa, quân sự hay dân sự. Công việc chính mà họ đảm nhận là thực hiện các chuyến bay theo lộ trình, kế hoạch bay đã được phê duyệt.

Trong bài viết này, xin chỉ đề cập đến phi công dân sự, làm việc cho các hãng hàng không và vận tải hàng không.

Trong quá trình bay, phi công phải chịu trách nhiệm điều hướng máy bay, duy trì liên lạc với kiểm soát không lưu, đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa, cùng các nhiệm vụ khác được giao.

Bên cạnh kỹ năng điều khiển máy bay, phi công cần nắm vững các quy định về hàng không quốc tế, hệ thống an toàn bay, có khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp như thời tiết xấu, hỏng hóc kỹ thuật, khủng bố hoặc thay đổi đột xuất trong hành trình.

Đối với những cơ trưởng, họ còn phải thực hiện nhiệm vụ điều hành tổ tiếp viên và tổ lái. Thực hiện báo cáo quá trình bay với đài kiểm soát thông lưu. Viết báo cáo và nhật ký chuyến bay sau khi kết thúc mỗi trận bay.

Yêu cầu để trở thành phi công

Để trở thành một phi công thực thụ đòi hỏi một quá trình đào tạo khắt khe trong thời gian dài, tiêu tốn nhiều công sức cũng như kinh phí đầu tư. Dưới đây là một số tiêu chuẩn cơ bản:

  • Độ tuổi: từ 18 tuổi cho đến 35 tuổi.
  • Sức khỏe: Ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển (Cadet) phải đạt chứng nhận sức khỏe loại 1 (theo ICAO – Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Các chứng nhận bao gồm kiểm tra về thị lực, thính lực, hệ tim mạch, tuần hoàn và các yếu tố sức khỏe tổng quát, bệnh truyền nhiễm. Việc đảm bảo sức khỏe tốt là yếu tố tiên quyết để thực hiện công việc trên không.

Ứng viên nam phải đạt chiều cao từ 1m65, nặng từ 54 kg. Nữ phải đạt chiều cao từ 1m60, nặng từ 48 kg trở lên. Chỉ số khối cơ thể (BMI) phải nằm trong khoảng từ 18 đến 30, đi kèm các bài kiểm tra về vòng ngực, lực bóp tay, lực kéo thân, huyết áp. Ngoại hình cân đối, không có khuyết tật, không có sẹo, không có hình xăm lộ ra ngoài.

  • Kiến thức: Ứng viên cần có kiến thức về toán học, vật lý để hiểu rõ nguyên lý bay, hệ thống điều khiển máy bay và phương án xử lý các hệ thống kỹ thuật phức tạp. Đây là lý do vì sao các chương trình đào tạo phi công thường bao gồm các khóa học chuyên sâu về vật lý và kỹ thuật.
  • Ngoại ngữ: cũng là một yêu cầu bổ sung cần có nhằm tiếp cận các giáo trình hướng dẫn nước ngoài. Tổng kết ứng viên cần tốt nghiệp THPT, TOEIC 550 (IELTS 5.5) trở lên còn hiệu lực hoặc tương đương. Giao tiếp tốt, mạnh dạn, tự tin, lưu loát; không nói ngọng, nói lắp.
  • Lý lịch: Lý lịch bản thân, gia đình rõ ràng, không có tiền án, tiền sự (theo xác nhận lý lịch tư pháp).
  • Chứng chỉ: Để được cấp giấy phép bay, phi công phải hoàn thành khóa đào tạo tại các cơ sở đào tạo hàng không uy tín. Chứng chỉ phổ biến nhất là CPL – Commercial Pilot License hay “giấy phép phi công thương mại”, cho phép điều khiển máy bay thương mại. Quá trình đào tạo này bao gồm lý thuyết và thực hành bay, giúp phi công làm quen với mọi quy trình bay từ khâu chuẩn bị cất cánh đến khi hạ cánh an toàn.

Ngoài ra, cứ 6 tháng đến 1 năm các phi công phải tiến hành thi lại những nội dung cơ bản bắt buộc. Nếu không vượt qua chỉ 1 trong những nội dung yêu cầu, giấy phép sẽ bị đình chỉ hoặc nặng hơn là tạm khóa bằng trong 5 năm liên tục.

Vốn tiếng Anh là yếu tố mà một phi công cần phải học tập và rèn luyện mỗi ngày, vì đây là môi trường làm việc rất cần giao tiếp bằng tiếng Anh, sẽ thật tai hại nếu bạn không thể giao tiếp với không lưu sân bay nước ngoài để hạ/cất cánh. Để trở thành cơ trưởng (lái chính), các phi công sẽ phải tham gia lái phụ trong khoảng 1 năm. Trải qua hàng nghìn giờ bay cộng với 5 năm kinh nghiệm tích lũy thì mới có thể cầm lái chính.

Quá trình đào tạo

Lộ trình đào tạo một phi công chuyên nghiệp kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm, tùy vào khả năng của từng ứng viên và yêu cầu của mỗi quốc gia. Quá trình này có thể được chia làm ba giai đoạn chính:

  • Giai đoạn lý thuyết: Học viên đáp ứng yêu cầu nhập học sẽ học các môn về nguyên lý bay, điều khiển và hệ thống máy bay, khí động lực học, khí tượng, luật hàng không và các quy trình xử lý tình huống.
  • Thực hành bay: Sau khi hoàn thành phần lý thuyết và bay mô phỏng, học viên sẽ được huấn luyện bay thực tế. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên kinh nghiệm, học viên sẽ làm quen với quy trình chuẩn bị trước chuyến bay, cất cánh, hạ cánh và các thao tác bay từ cơ bản đến phức tạp. Việc thực hành bay thường kéo dài hàng trăm giờ ngoài thực tế.
  • Đào tạo nâng cao: Sau khi hoàn thành giai đoạn thực hành cơ bản, học viên sẽ tham gia vào các khóa đào tạo nâng cao để có thể điều khiển các loại máy bay thương mại hoặc máy bay vận tải lớn. Đặc biệt, phi công sẽ được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp, quản lý nhiên liệu và điều khiển bay trong điều kiện thời tiết xấu, nhiễu loạn không khí.
Buồng lái mô phỏng huấn luyện nghề phi công
Hệ thống mô phỏng huấn luyện và buồng lái máy bay

Cơ hội phát triển nghề nghiệp

Là một nghề khó với thời gian đào tạo lâu dài và chi phí cao, nhưng nghề phi công vẫn luôn được quan tâm bởi độ hot không bao giờ giảm. Nhu cầu nhân lực trong ngành luôn tăng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia có nền hàng không đã và đang phát triển mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, diện tích lớn như Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, các nước châu Âu, Mỹ Latinh, …

Sự hồi phục nhanh chóng của du lịch kéo theo nhiều khởi sắc của ngành hàng không thương mại sau đại dịch COVID-19, đã tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm mới cho phi công. Tại Việt Nam, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, liên tục tuyển dụng, thậm chí đầu tư thành lập các cơ sở đào tạo của riêng mình.

Ngoài ra, phi công có kinh nghiệm cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực khác như vận tải hàng hóa, dịch vụ bay tư nhân, bộ phận lãnh đạo, hoặc tham gia vào các chương trình đào tạo các thế hệ phi công tương lai.

“Làm chủ bầu trời là chìa khóa để bạn chinh phục nhiều vùng đất, nhiều nền văn hóa một cách nhanh nhất. Không bạn trẻ nào có thể từ chối đặc quyền thú vị bậc nhất này. Bên cạnh đó, con đường phát triển sự nghiệp của một phi công rất rõ ràng, chuyên nghiệp”. – Cơ trưởng Lê Như Vũ Tuấn chia sẻ.

Thu nhập và đãi ngộ

Một trong những yếu tố hấp dẫn nhất mà các bạn trẻ lựa chọn phi công làm nghề nghiệp mình theo đuổi là mức thu nhập khủng kèm các phúc lợi hấp dẫn.

Không chỉ là chinh phục giấc mơ được bay cao, du lịch dễ dàng nhiều nơi trên thế giới, được xã hội trọng vọng. Tùy thuộc vào kinh nghiệm và các hãng hàng không đã làm việc, mức lương của phi công có thể lên đến 10,000 USD mỗi tháng. Tại Vietnam Airlines, thu nhập trung bình của phi công là 115,3 triệu/tháng. Đối với các phi công có thâm niên, mức thu nhập có thể cao hơn đáng kể kèm theo cơ hội làm việc tại nước ngoài.

Về đãi ngộ, phi công luôn được hưởng phúc lợi cao nhất tại các hãng hàng không, với bảo hiểm y tế cao cấp, nghỉ phép có lương, du lịch nghỉ dưỡng, miễn phí đi lại và chỗ ở hạng sang trong các chuyến bay quốc tế.

Nghề phi công, hành trình chinh phục bầu trời đầy cơ hội, thách thức

Thách thức trong nghề phi công

Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những khó khăn nội tại, tỷ lệ thuận với danh vọng và thu nhập mà nó mang lại. Mặc dù nghề phi công mang lại nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng rất nhiều.

  • Đầu tiên là sự mệt mỏi căng thẳng kéo dài, đặc biệt là trong những chuyến bay dài liên lục địa, có thể kéo dài đến hơn 10 tiếng đồng hồ. Không khí loãng ở độ cao trên tầng bình lưu dễ khiến đầu óc kém tỉnh táo và khó tập trung.
  • Sức khỏe bị ảnh hưởng lớn do phải tiếp xúc với bức xạ cường độ cao trong tầng bình lưu. Đặc biệt, ở độ cao hàng nghìn m, áp suất giảm khiến cơ thể người nở ra, có thể gây chảy máu hay xuất huyết. Đó là lý do các phi công không được có sẹo trên cơ thể.
  • Áp lực lớn trong việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm sinh mạng cùng hàng hóa giá trị. Bản thân chiếc máy bay cũng là tài sản quan trọng. Bất kỳ sai lầm nào dù nhỏ nhất như biến động của thời tiết, luồng không khí, các vật thể bay khác, sự cố kỹ thuật không mong muốn, cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
  • Khả năng linh hoạt sắp xếp công việc cũng như thích nghi tốt với sự thay đổi về múi giờ và đồng hồ sinh học là điều nghề phi công đòi hỏi. Lịch trình bay thường xuyên thay đổi, sinh hoạt gián đoạn do thay đổi múi giờ liên tục, cũng như việc phải xa gia đình trong thời gian dài là những việc bạn phải chấp nhận làm quen.

Hàng tỷ biến số có thể xảy ra và người phi công cần phải có khả năng, tinh thần thép nhằm đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác trong mọi tình huống. Những ngày lễ, họ phải gồng mình lên để làm việc trong khi mọi người đều đang tận hưởng kỳ nghỉ bên gia đình và bạn bè.

Muốn học nghề phi công thì thi trường gì? Khối nào?

Phi công dân sự không cần phải học đại học. Thay vào đó, các cadet cần tham gia khóa học đào tạo (thường kéo dài 14 – 24 tháng) tại các cơ sở huấn luyện được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn hoặc đào tạo ở nước ngoài. Trung bình, các hãng hàng không mất khoảng 2,5 năm để hoàn thành quá trình đào tạo.

Điều đó có nghĩa là kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển tổ hợp môn thi các khối A, B, C, D,… là điều các bạn học sinh không cần quan tâm. Bạn chỉ cần tốt nghiệp THPT, có TOEIC 550 (IELTS 5.5) trở lên và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe như đã đề cập ở phần trước.

Học phí thông thường của các khóa đào tạo cơ bản ở Việt Nam là 1,71,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí huấn luyện ở nước ngoài là nhiều nhất, khoảng 57.000 USD65.000 USD (trong điều kiện học tập suôn sẻ).

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản, học viên muốn trở thành phi công lái máy bay thương mại sẽ tiếp tục huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE với chi phí không dưới 1,5 tỷ đồng/người tại các hãng hàng không. Do vậy “tổng thiệt hại” để trở thành phi công dân dụng là khoảng 4 tỷ đồng, đã bao gồm học phí, đi lại, ăn ở.

So sánh với việc du học nước ngoài ngay từ đầu, ví dụ Hoa Kỳ, mức kinh phí ở các trường tư thục là khoảng 50.000 USD/năm (~ 1,1 tỷ đồng), và tổng chi phí cho 4 năm sẽ là 200.000 USD (~ 4,6 tỷ đồng).

Vì vậy, trước khi quyết định theo đuổi công việc này, học sinh và phụ huynh nên tính toán và lên kế hoạch tài chính kỹ càng để có thể đáp ứng được các chi phí đào tạo.

Hưng Việt đồng hành cùng các đơn vị đào tạo phi công uy tín

Hưng Việt Consulting luôn nỗ lực phát triển vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phi công chất lượng cao, chúng tôi là đối tác lâu năm của Trung Tâm Huấn luyện Bay Vietnam Airlines – FTC, đơn vị liên kết cùng nhiều trường phi công uy tín để các bạn học sinh tham khảo:

Trung Tâm Huấn luyện Bay Vietnam Airlines
(FTC Flight Training Center)

FTC là thành viên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, FTC có trụ sở tại 117 Hồng Hà, P.2, Tân Bình, TP. HCM. FTC thành lập ngày 10/12/1998 với nhiệm vụ huấn luyện nguồn nhân lực khai thác bay và khai thác mặt đất, gồm phi công, tiếp viên và nhân viên điều hành không lưu.

Các loại máy bay Boeing 767, Boeing 777, Boeing 787, Airbus A320, A321, A350, ATR 72 và Fokker 70 đều có buồng lái mô phỏng (SIM) đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trường Phi công Bay Việt
(Viet Flight Training)

Bay Việt là đơn vị cung cấp phi công nhiều nhất tại Việt Nam kể từ 2008. Chi phí theo học tại Bay Việt vào khoảng 1,7 tỷ đồng, thời gian 18-20 tháng, bao gồm luyện tập tại nước ngoài (không bao gồm đi lại và ăn uống).

Để trở thành học viên Bay Việt, ngoài đáp ứng các yêu cầu cơ bản, cần vượt qua 3 vòng thi khác (Vòng 1: tiếng Anh kỹ năng nghe, đọc; Vòng 2: thi trắc nghiệm trên máy tính đánh giá khả năng thích ứng, tố chất, năng khiếu bay & tiềm năng phát triển trong nghề; Vòng 3: phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh).

Hãng Hàng không Tre Việt
(Bamboo Airways)

Bamboo Airways từng thuộc sở hữu của FLC, là trung tâm đào tạo tiếp viên, phi công của Bamboo Airway được trao chứng nhận ATO (Chứng nhận tổ chức huấn luyện hàng không) từ Cục Hàng không Việt Nam.

Cuối năm 2021, hãng đã khai giảng khóa học viên phi công máy bay Airbus A320 đầu tiên. Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways đi vào hoạt động năm 2022 có quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng tại tỉnh Bình Định, sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm. Để trở thành học viên chính thức theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không và Bamboo, ứng viên cần phải vượt qua 4 vòng thi và kiểm tra.

Stanford Aviation International Company
(SAIC)

SAIC có trụ sở tại quận Tân Bình, TP. HCM, liên kết với Royhle Flight Training (Philippines) được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép với quy mô đào tạo trên 100 phi công/năm. Học viên sẽ bắt đầu từ học bay tàu nhỏ 200 giờ, sau đó là phối hợp tổ bay MCC, jet orientation course JOC, ATPL trong 14 tháng.

Chi phí cho giai đoạn học cơ bản được SAIC công bố là 72.000 USD (~ 1,7 tỷ đồng, đã bao gồm ăn ở, đi lại). Sau khi hoàn thành căn bản, học viên sẽ được trung tâm hướng dẫn học chuyển loại (type rating), với phí 25 – 31.000 USD (~ 700 triệu đồng) tại Singapore, Indonesia hoặc Vietjet Academy VJAA.

Học viện Hàng không Vietjet (VJAA)
(Vietjet Aviation Academy)

VJAA là cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại với tiêu chuẩn châu Âu do Vietjet Air và hãng máy bay Airbus phối hợp xây dựng và vận hành từ năm 2018, được Cục Hàng không phê chuẩn từ năm 2014. Với gần 4000 khóa huấn luyện, VJAA vận hành ứng dụng công nghệ hàng không tiên tiến, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhân viên hàng không trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của hãng và trong khu vực.

Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không
VinAviation (Vingroup)

Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không (thuộc tập đoàn Vingroup) tuyển sinh khóa 1 từ năm 2019 với các chương trình hỗ trợ học phí, tối đa lên đến 50.000 USD và được ngân hàng cho vay tới 75% gói học phí. Trường liên kết với Tập đoàn CAE (Canada), Trường Cao đẳng kỹ thuật khoa học Hàng không Aviator – ACAST (Mỹ) và Học viện đào tạo Phi công – AAPA (Úc).

Ngoài các lựa chọn ở Việt Nam, học viên có thể lựa chọn du học. Các quốc gia như Ấn Độ, Mỹ, Úc hay New Zealand, … là điểm đến lý tưởng cho hành trình chinh phục bầu trời.

Học viện Hàng không Quốc tế New Zealand
(International Aviation Academy of New Zealand)

Học viện Hàng không Quốc tế New Zealand (IAANZ), tọa lạc tại Christchurch, New Zealand có lịch sử 30 năm trong ngành. IAANZ đã “cho ra lò” hơn 70 phi công trẻ đến từ Việt Nam từ năm 2016. Trường cũng được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép tuyển sinh đào tạo tại nước ta.

 

Phi công là một nghề lý thú và hấp dẫn nhất trên thế giới. Tự do đến những những vùng đất mới lạ sẽ đem lại cho bạn cảm giác thăng hoa và hứng khởi. Tuy nhiên ước mơ chinh phục “chim sắt” là một thử thách không dễ, đòi hỏi sự tập trung và quyết tâm cao độ. Chúc các bạn trẻ thành công!

Quý khách hàng, đối tác có nhu cầu tư vấn kinh doanh, hợp tác đầu tư. Xin vui lòng liên hệ với:

CÔNG TY CP THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & CÔNG NGHỆ HƯNG VIỆT • HUNGVIET CONSULTING

  • Tên giao dịch quốc tế: HUNGVIET TECHNOLOGY & INVESTMENT TRADING JOINT STOCK COMPANY.
  • Mã số thuế: 0101620786, cấp ngày 21/03/2005.
  • ĐKKD: Nhà A14, khu công đoàn Võng Thị, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
  • VPGD: Tầng 7 Tòa Nhà Mitec, lô E2 khu đô thị mới Cầu Giấy, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Kết nối với HUNGVIET ngay!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

024 3943 4611