Ngày 29/07/2022, Hưng Việt đã cử đại diện tham dự Diễn đàn Hàng không – Aviation Day tổ chức tại trường RMIT cơ sở Nam Sài Gòn.
Có mặt tại sự kiện là các đại biểu Việt Nam và Australia đại diện cho các cơ quan quản lý ngành hàng không, hãng hàng không, cơ sở đào tạo hàng không, các đối tác doanh nghiệp và các sinh viên quan tâm tới cơ hội học tập trong ngành này.
Một số khách mời nổi bật gồm có:
- Ông Hồ Minh Tấn – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (CAAV),
- Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó TGĐ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA),
- Ông Nguyễn Đăng Quang – Trưởng ban An toàn Chất lượng thuộc VNA,
- Ông Lâm Quang Nam – GĐ Trung tâm huấn luyện bay FTC của VNA,
- Cùng các giáo sư, lãnh đạo phụ trách đào tạo ngành hàng không của Đại học RMIT.
Đại học RMIT tổ chức Diễn đàn Hàng không nhằm mục đích giúp các chuyên gia và người làm công tác giáo dục trong lĩnh vực hàng không Việt Nam và Australia kết nối và tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của ngành, cũng như thúc đẩy việc đưa ra các chính sách cần thiết và kịp thời để dẫn dắt sự phát triển của ngành.
Tại sự kiện Diễn đàn Hàng không, các diễn giả của Đại học RMIT đã giới thiệu tổng quan về lĩnh vực đào tạo hàng không của trường.
Trong 135 lịch sử hoạt động thì Đại học RMIT đã có 80 năm đào tạo nhân sự cho ngành hàng không, gồm có cán bộ kỹ thuật và phi công; địa điểm giảng dạy tại Melbourne, Hong Kong và Singapore.
Cơ sở vật chất bao gồm cơ sở đào tạo Point Cook, nhiều hệ thống mô phỏng bay, hệ thống mô phỏng quản lý hoạt động bay, luồng không lưu, phòng lab, trường bay và đội bay riêng với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu AUD.
RMIT có liên hệ và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và cơ quan trong ngành hàng không như Quantas, ATSB, v.v…
Hiện RMIT đang cung cấp các khóa đào tạo Cử nhân Khoa học ứng dụng Hàng không, Cử nhân Đào tạo phi công Hàng không, Cử nhân Khoa học ứng dụng Hàng không và Quản trị kinh doanh (bằng kép), cùng nhiều khóa đào tạo khác có liên quan đến lĩnh vực an toàn trong ngành hàng không.
Đại diện VNA đã chia sẻ về nhu cầu nhân lực cấp thiết hiện nay trong ngành hàng không ở Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ hậu Đại dịch Covid-19, để góp phần giúp kinh tế Việt Nam bắt nhịp lại với đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, đại diện của Trung tâm FTC đã trình bày nhu cầu cụ thể trong đào tạo phi công của VNA tầm nhìn tới năm 2035 cho từng loại máy bay như A320/A321, B787, A350; cũng như quy trình đào tạo phi công của VNA hiện nay.
Diễn đàn Hàng không – Aviation Day 2022 được kỳ vọng sẽ là dịp để các bên liên quan kết nối và làm rõ cung cầu trong lĩnh vực đào tạo nhân sự cho ngành hàng không.
Dựa vào các thông tin hữu ích từ Diễn đàn Hàng không, Hưng Việt sẽ lên kế hoạch thúc đẩy và hỗ trợ mối quan hệ hợp tác giữa RMIT và VNA cũng như các hãng hàng không khác tại Việt Nam trong thời gian tới.